Tìm lộ trình giảm phát thải cho Việt Nam

Cơ hội chuyển đổi công nghệ

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vừa qua tại Durban (Nam Phi), các quốc gia đã thống nhất, trong khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu (thay thế Nghị định thư Kyoto) dự kiến phê chuẩn năm 2015, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng phải đưa ra lộ trình giảm phát thải trong thời gian tới. Ngay từ bây giờ, các nước đang phát triển phải báo cáo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Như vậy trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính không còn là chuyện riêng của các nước phát triển (theo Nghị định thư Kyoto) mà các nước đang phát triển cũng cần cố gắng thực hiện trách nhiệm này. Điều này tạo ra những thách thức đối với các nước đang phát triển song lại mở ra nhiều cơ hội đổi mới công nghệ. Bởi ngay từ COP13, Ban Thư ký Công ước khung của LHQ về BĐKH đã kêu gọi các nước đang phát triển xây dựng “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (gọi tắt là NAMA). Tuy nhiên kế hoạch chỉ được thực hiện nhờ các hỗ trợ về công nghệ và tài chính.
Các Hội nghị COP sau đó, các quốc gia cũng thống nhất dành 30 tỷ USD mỗi năm (đến năm 2012) và 100 tỷ USD mỗi năm (đến năm 2020) cho các hoạt động giảm nhẹ, trong đó có NAMA.
Theo PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, rất nhiều lĩnh vực có thể xây dựng NAMA như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng… “NAMA sẽ là kênh giải ngân chủ yếu cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động liên quan đến NAMA rất rộng, từ chính sách, kế hoạch hành động quốc gia, xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức đến các dự án cụ thể. Mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp đều có thể xây dựng NAMA”, ông Thục nói.
Thực hiện NAMA sẽ là cơ hội cho chuyển đổi công nghệ, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, bảo vệ môi trường thông qua các hỗ trợ quốc tế về công nghệ, tài chính và tăng cường năng lực.